Những người thợ mỏ với phong trào “Thi đua Ái quốc”

Thứ năm - 28/06/2018 23:09
Mùa xuân năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước đang rất khó khăn, nhằm kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc phát huy mọi khả năng, cống hiến to lớn cho cách mạng, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Những người thợ mỏ với phong trào “Thi đua Ái quốc”

70 năm đã trôi qua, nhưng lời kêu gọi đó vẫn có một giá trị lịch sử, luôn thúc giục tinh thần thi đua của mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người thợ mỏ đã nêu cao ý chí kiên cường vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Ngay trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, khu mỏ trong vùng tạm chiếm, những người thợ mỏ đã thực hiện khẩu hiệu vườn không nhà trống, thi đua phá hoại máy móc thiết bị của địch làm cho kinh doanh của chủ mỏ giảm sút.

Ngay sau ngày hòa bình lập lại 1955 với khẩu hiệu "Làm thật nhiều than cho Tổ quốc" để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, trong 70 năm qua, ngành Than đã dấy lên nhiều phong trào thi đua phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của từng giai đoạn để có những hình thức và nội dung thích hợp

Tháng 6/1954, mỏ than Tân Thành (tên cũ của mỏ than Khánh Hòa thời kháng chiến chống Pháp) đã phát động chiến dịch thi đua "Những tấn than vì hoà bình, vì ánh sáng thủ đô" để đón Bác Hồ và Chính phủ trở về Hà Nội. Khắp nơi rợp cờ hoa, khẩu hiệu tưng bừng như ngày hội, cán bộ công nhân mỏ không kể mưa nắng, không tính đến thời gian, mê mải sản xuất than vì mục tiêu giữ gìn ánh sáng cho Thủ đô không bao giờ tắt. Sau hơn một tháng đã khai thác được 1.320 tấn than, kịp chuyển về cho nhà máy điện Yên Phụ, Hà Nội.

Phong trào


Trong 3 năm khôi phục kinh tế ở vùng thanh Hòn Gai - Cẩm Phả (1955 - 1957) với mục tiêu khôi phục sản xuất nhanh đưa trách nhiệm làm chủ lên hàng đầu trong sản xuất cũng như trật tự xã hội, Xí nghiệp quốc doanh than Hòn Gai đã dấy lên phong trào thi đua mới. Nhiều công trình khi Pháp rút đi đã đánh hỏng và mang theo các tài liệu, chúng muốn sự đình trệ sản xuất của ta kéo dài. Nhưng những cán bộ công nhân giàu lòng yêu nước từng làm việc cho SFCT kết hợp với cán bộ quân giới ở kháng chiến về đã tận tình ngày đêm phục hồi lại khá nhanh như hệ thống điện một chiều ở Cửa Ông, Nhà máy Than luyện, Nhà máy hơi hàn Hòn Gai...

Mỏ than Mạo Khê, anh chị em quân giới đã phát động thi đua khôi phục lại hệ thống lò đã bị phá hủy. Lò chợ Sa lê không có quạt gió đã nghĩ ra cách đan phên nứa dựng dàn giáo làm buồm tại cửa lò, hứng gió đông nam thổi vào lò thay quạt điện.

Từ năm 1955, các thiết bị hiện đại như máy xúc, máy khoan, ô tô được trang bị ngày càng nhiều trong khi trình độ văn hóa của cán bộ công nhân ta còn thấp, rất khó khăn trong việc tiếp thu kỹ thuật mới, lãnh đạo khu mỏ đã phát động phong trào thi đua học bổ túc văn hóa rộng khắp: học nhiều ca, học ban đêm, học tại công trường, học tại xí nghiệp. Người có văn hóa cao dạy cho người văn hóa thấp. Lúc vào ca là bạn sản xuất, hết ca là thầy trò. Phong trào đã lôi kéo mọi lứa tuổi, mọi giới và lấy việc học bổ túc văn hóa làm một tiêu chuẩn để bình chọn các danh hiệu thi đua

Ở mỏ Quán Triều xuất hiện phong trào thi đua "Đất mỏ nở hoa" với nội dung "tăng động tác nhanh, giảm động tác thừa" theo gương phong cánh lao động của Đặng Thị Nhàn. Những cá nhân và tập thế nào sản xuất đạt định mức được gắn hoa xanh, vượt mức được gắn hoa hồng. Phong trào này đã kích thích mọi người quyết tâm "Giành hoa đỏ, bỏ hoa xanh, thành kiện tướng".

Trong 3 năm 1955-1957, ngành Than đã chọn được chiến sỹ thi đua, 2601 cá nhân tiên tiến, 108 tổ tiên tiến. Chiến sỹ thi đua Đặng Thị Nhàn được tuyên dương và phát động phong trào toàn Ngành học tập.

Ở công trường Cọc Sáu, từng người, từng tổ, từng tầng thi đua vượt mức từng chuyến xe goòng chở than trong một ca. Định mức 60 chuyến đã nâng lên 65,75 cao nhất là 120 chuyến/ca. Từ Cọc Sáu, phong trào thi đua đã lan rộng sang các công trường Đèo Nai, Hà Tu. Qua đợt thi đua này đã xuất hiện nhiều kiện tướng như Lại Thị Gái, Vũ Thị Bé, Hà Quang Hợp, Hà Thị Bợp, Hoàng Văn Mỹ, Nguyễn Văn Bìa...

Tháng 7/1958 tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua lần thứ hai họp tại Hà Nội, mỏ than Cẩm Phả đã được tuyên dương hai Anh hùng Lao động là Hồ Xây Dậu và Lê Văn Hiển.

Bước vào thự hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) ngành Than có bước phát triển mới: Các công trường phân xưởng được nâng lên thành các mỏ, dưới sự quản lý thống nhất của Công ty than Hòn Gai. Trình độ và phương pháp sản xuất đã chuyển từ thủ công sang cơ giới. Do đó trong cuộc vận động quần chúng có những phong trào thi đua với nội dung mới cao hơn giai đoạn trước. Để đảm bảo thực hiện phong trào thi đua xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm, với nội dung kinh tế kỹ thuật cụ thể và xây dựng con người mới XHCN, đã có 4 cuộc vận động lớn thiết thực được tiến hành là: Xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật; Phân tích hoạt động kinh tế kỹ thuật với hạch toán tổ, đội, phân xưởng; 3 xây 3 chống và phong trào thi đua 3 điểm cao. Ngày 13/6/1961, Khu mỏ Hồng Quảng đã tổ chức Hội thi thao diễn Kỹ thuật toàn ngành có 400 kiện tướng đã về tham dự, điển hình là kiện tướng lái máy xúc Vũ Xuân Thủy, Đỗ Quang Lộc, Vũ Văn Đớ (mỏ Cọc Sáu) Nguyễn Tiến Tràng, Ngô Dần, Mùi A Mạn (mỏ Đèo Nai). Các kiện tướng phá suốt thìu lò chợ như Hoàng Văn Tiến, Nguyễn Văn Lấm (mỏ Thống Nhât); Cao Văn Tùng, Nguyễn Văn Tâm (mó Mạo Khê)...

Đầu tháng 3/1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống khu mỏ yêu cầu làm thêm 20 vạn tấn than sạch và phát động chiến dịch sản xuất "than  Điện Biên Phủ" nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 1964). Đây là một chiến dịch thi đua có quy mô rộng khắp. Những trận đánh lớn ở Điện Biên Phủ năm xưa đã được đặt tên cho phong trào thi đua như đồi Him Lam đã được đặt tên cho nơi làm việc của tổ máy khoan BY4 mỏ Đèo Nai, đồi cao đá rắn, nổ mìn vi sai gần 100 tấn thuốc nổ. Trận đánh "cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm lò 13" của mỏ Thống nhất...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, ngành Than đã phát động phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai" toàn thể CBCN đều tình nguyện làm thêm giờ, nhận thêm việc, khẩu hiệu của phong trào là "Tất cả chi viện cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà".

Từ năm 1966 đến năm 1975, ngành Than bước vào giai đoạn  vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ. Toàn ngành đã phát động phong trào sản xuất và chiến đấu trong mọi tình huống, lấy khẩu hiệu "Chắc tay búa, vững tay súng", "Ba sẵn sàng", Ba đảm đang". Mỏ Mạo Khê, mỏ Vàng Danh phát động phong trào "Đào lò nhanh". Mỏ Khánh Hòa tổ chức thao diễn kỹ thuật mang tên "Vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, mỗi người làm việc bằng hai" giao cho thanh niên quản lý.

Ngày 15/11/1968, Bác Hồ gặp đoàn đại biểu CNCB ngành Than tại Phủ Chủ tịch. Từ đó dấy lên một đợt sinh hoạt chính trị vừa kiểm điểm sâu sắc những khuyết điểm, vừa đề ra những biện pháp để sản xuất được nhiều than và đưa quản  lý trở lại nề nếp.

Từ năm 1986 đến năm 1995 là giai đoạn đổi mới cơ chế quản lý từ bao cấp sang cơ chế thị trường. ngành Than đã có những bước gian nan tìm hướng đi để thích nghi với cơ chế mới. Các đơn vị trong ngành đã bắt đầu thoát khỏi cơn khúng khoảng do chuyển đổi cơ chế. Từng công ty đã chủ động tổ chức phong trào thi đua của mình. Nhiều hình thức vận động phong trào đã được thay thế cho phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của từng đơn vị. Các danh hiệu "Lao động giỏi", "Quản lý giỏi", "Kinh doanh giỏi"… được phong tặng thay thế cho các danh hiệu cũ. Công tác khen thưởng được đổi mới nhiều, lợi ích vật chất thỏa đáng đã kích thích mạnh mẽ tính sáng tạo của mọi người

Để ghi nhận những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất và công tác của cán bộ công nhân ngành than, Bộ Công nghiệp và Công đoàn Than Việt Nam đã quyết định tặng danh hiệu "Thợ mỏ vẻ vang" và kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp Việt Nam" các hạng Nhất, Nhì cho hơn ba vạn cán bộ công nhân ngành Than.

Trong những năm đổi mới toàn ngành đã có nhiều tập thể và cán bộ, công nhân được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới như Đặng Văn Bình, Lê Đình Trưởng...

Đặc biệt công nhân cán bộ ngành Than đã được Nhà nước tặng thưởng phần thưởng cao quý nhất là Huân chương Sao Vàng. Phần thưởng này đánh dấu những cố gắng vươn lên của những người thợ Việt Nam trong suốt 70 năm thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguồn tin: Tạp chí Than - Khoáng sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Website Vinacomin
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay9,134
  • Tháng hiện tại119,160
  • Tổng lượt truy cập11,274,212
Anh hùng Lao động
Phat huy truyen thong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây