Bài học từ sự đoàn kết, kỷ luật - đồng tâm

Thứ hai - 27/04/2020 23:02
Trong lịch sử phát triển của tỉnh Quảng Ninh, sự kiện ta tiếp quản khu mỏ ngày 25/4/1955 là một dấu mốc quan trọng bởi nó chấm dứt hơn 70 năm thực dân Pháp đô hộ, xâm chiếm và khai thác than ở vùng mỏ. Một trong những bài học kinh nghiệm quý của sự kiện đó là sự đoàn kết, tinh thần kỷ luật – đồng tâm của công nhân và nhân dân Vùng mỏ.
Cảng Hòn Gai trước ngày ta tiếp quản khu mỏ. Ảnh do người Pháp chụp
Cảng Hòn Gai trước ngày ta tiếp quản khu mỏ. Ảnh do người Pháp chụp

Hiệp định Geneve (Thụy Sĩ) được ký kết ngày 20/7/1954, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Theo nội dung Hiệp định, đặc khu Hòn Gai, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên (cùng Hải Phòng) nằm trong vùng tập kết tạm thời 300 ngày của quân đội Pháp. Do vậy, trước khi ta tiếp quản, khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả vẫn diễn ra các hoạt động khai thác than, thậm chí, các chủ mỏ Pháp đã tăng cường khai thác hòng vơ vét thật nhiều than. Đơn cử như 7 tháng trước khi rút đi, chủ mỏ Pháp dự tính tìm mọi cách để khai thác cho được gần 80 vạn tấn than – tức bằng mức khai thác cả năm 1954.

Việc tiếp quản khu mỏ diễn ra trong một ngày 25/4/1955 nhưng trước đó, trong khoảng 300 ngày thi hành Hiệp định Geneve, nhân dân, công nhân Vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả đã phải đoàn kết, đấu tranh quyết liệt với những thủ đoạn chống phá của kẻ địch, tay sai Pháp, chủ mỏ.

Tại Nhà sàng Cửa Ông, chị em công nhân đã đoàn kết đấu tranh phản đối chủ mỏ tăng mức khoán sản xuất, tăng cường mức phạt công nhân, tổ chức đình công khiến chủ mỏ buộc phải thoả mãn các yêu cầu của công nhân.

Tại Hà Lầm, Hà Tu, bọn chủ mỏ đã từng bước phá hoại, dẫn đến làm sập một lúc hơn 100m lò ở lò 88 và 2 nhánh lò 75. Hậu quả là việc khai thác bị đình trệ, chủ mỏ lấy cớ dãn thợ. Cơ sở công đoàn của ta ở đây lập tức phát động công nhân làm đơn gửi chủ mỏ và Uỷ ban Liên hiệp đình chiến Trung ương yêu cầu đình chỉ ngay các hành động phá mỏ, thi hành đúng Hiệp định, đình chỉ dãn thợ và di chuyển máy móc. Trước yêu cầu của công nhân, các chủ mỏ buộc phải chấp nhận mọi yêu sách. Đây được coi là cuộc đấu tranh giành thắng lợi lớn của công nhân mỏ thời kỳ tạm chiếm 300 ngày.

Cùng với phá hoại mỏ, các chủ mỏ, tay sai còn di chuyển máy móc, thiết bị hòng làm cho mỏ tê liệt sau khi ta tiếp quản. Ngày 17/12/1954, địch chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu Sondeur ra cảng Cửa Ông. Ngày 9/3/1955, chủ mỏ Pháp lại bí mật tháo dỡ chuyển 8 mobil của Nhà máy điện Cột 5 ra Cẩm Phả để bốc xuống tàu… Tuy nhiên, tất cả các vụ việc trên đều được anh em công nhân phát hiện, đấu tranh kiên quyết buộc chúng phải để lại.

Trên công trường mỏ than Cọc Sáu. Ảnh: Phượng Đại (CTV)

Có được sự đoàn kết, đấu tranh thắng lợi ấy một phần là có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đặc khu uỷ Hòn Gai qua các tổ tự vệ công nhân, một phần chính là lực lượng công nhân khu mỏ đã nhận thức rõ về giá trị của tự do, hoà bình. Hơn 72 năm khai thác, bóc lột, chủ mỏ Pháp đã vơ vét gần 50 triệu tấn than ở vùng mỏ từ Mông Dương đến Đông Triều. Hàng vạn công nhân mỏ đã phải đổ mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu để chúng thu lãi hàng trăm triệu đồng Đông Dương.

Thêm nữa, cuộc tổng bãi công năm 1936 cũng để lại bài học lớn về sức mạnh của đoàn kết, của tinh thần “kỷ luật – đồng tâm” của thợ mỏ. Chính tinh thần ấy, sau khi ta tiếp quản khu mỏ lại được phát huy khi công nhân mỏ, bằng tình yêu nước, bằng ý chí, sức lao động sáng tạo đã nhanh chóng khắc phục hư hỏng của đường trục số 2 Đèo Nai, tê liệt của hệ thống điện nhà sàng Cửa Ông do kẻ địch trước khi rút đi đã phá hoại để nhanh chóng khôi phục sản xuất than, kịp đưa chuyến than về Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) đúng dịp kỷ niệm 10 năm (1945 – 1955) Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 như mong muốn của Bác Hồ.

Ngày tiếp quản khu mỏ đã qua 65 năm. Lịch sử Quảng Ninh đã sang nhiều trang mới. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm của tiếp quản khu mỏ như sự đoàn kết, tinh thần “Kỷ luật – đồng tâm” vẫn rất còn giá trị với chúng ta, nhất là với công nhân và ngành than. Đó là cơ sở để những người công nhân mỏ sẵn sàng vượt qua các khó khăn, chung sức đồng lòng đưa ngành Than tiếp tục phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.

Nguồn tin: Vinacomin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Website Vinacomin
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay9,134
  • Tháng hiện tại119,070
  • Tổng lượt truy cập11,274,122
Anh hùng Lao động
Phat huy truyen thong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây